Dịch: Lãng Nhân Môn
***
Trong nhà ăn đủ mặt người nhà họ Đào, Cố Thăng và Nam Sơn chào hỏi họ, cố gắng thể hiện vẻ mặt thật tự nhiên đúng như những người khách thuê nhà.
Món ăn giống như tối hôm qua, bánh bột và canh.
Nam Sơn gặm cái bánh khô không khốc rồi hỏi Mạnh Thanh Hà ngồi bên cạnh:
– Dì Mạnh à, tí nữa dì cho cháu mượn xà phòng và bột giặt được không? Hôm qua cháu còn chưa giặt được quần áo thay ra.
– Được chứ.
Mạnh Thanh Hà nâng bát lên uống một ngụm canh:
– Tí nữa tôi cũng đi giặt, chúng ta đi cùng nhau luôn.
Nam Sơn nói:
– Cũng được.
Cụ Đồng chậm rãi nhai bánh:
– Nam Sơn này, bệnh của cô đã đỡ hơn chưa?
Nam Sơn sửng sốt rồi lập tức đưa tay lên day thái dương:
– Cũng đỡ hơn một tí rồi ạ.
Tí nữa thì quên mình là bệnh nhân thiên đầu thống.
…
Sau khi cơm nước xong xuôi, Nam Sơn ôm chậu quần áo đi theo Mạnh Thanh Hà ra bờ sông.
Cố Thăng không tới cùng cô ngay. Anh đến chỗ dì Đào gọi cho Lịch Danh Minh, hỏi xem bao giờ thì nhóm Tam Hắc tới.
Bên bờ sông có một nơi đặt mấy phiến đá chuyên dùng để cho dân làng giặt quần áo.
Nước sông trong suốt và rất lạnh, thi thoảng lại thấy có cá nhỏ bơi qua bơi lại.
– Cô giặt trên phiến đá này đi, tôi đi sang phiến khác.
Dì Mạnh nói.
– Vâng.
Bên bờ sông cũng chỉ có hai người các cô, hai người đều im lặng giặt giũ quần áo của mình.
Nam Sơn nhìn Mạnh Thanh Hà rồi hỏi:
– Dì ơi, giặt xong dì cho cháu mượn mấy cái mắc áo được không?
– Tí nữa về vào phòng tôi mà lấy.
– Cảm ơn dì.
– Đừng có cảm ơn mãi thế, thực ra tôicũng có giúp cô được gì đâu.
Dì Mạnh cười ngượng ngùng.
Nam Sơn lắc đầu, cô nghĩ tới một chuyện:
– Dì Mạnh à, bao giờ hết bệnh thì cháu sẽ đi khỏi đây, đến lúc đó cháu đưa dì ra ngoài chơi nhé. Mấy hôm nay cảm ơn dì đã chăm sóc chúng cháu.
Nam Sơn nhìn bà với vẻ nghiêm túc.
Mạnh Thanh Hà nện mạnh thanh giặt đồ xuống, gậy gỗ đập vào mặt đá vang lên tiếng vang trầm đục.
– Cô có lòng thế làm dì cảm động quá.
Mạnh Thanh Hà cười nói:
– Nhưng ra ngoài thì thôi, mấy ngày nay nhiều việc lắm, lo chuyện bên này quan trọng hơn.
– Chẳng phải cô tò mò với bên ngoài lắm hay sao? Mượn cơ hội này ra ngoài xem cũng được mà.
Nam Sơn nói tiếp.
Mạnh Thanh Hà lắc đầu:
– Tôi thuận miệng hỏi thế thôi, ở đây cũng là sống, ở ngoài cũng là sống, có khác gì nhau đâu.
– Dạ.
Nam Sơn nói bằng giọng nuối tiếc rồi cúi xuống giặt áo phông.
Cô hỏi bóng gió một hồi mà Mạnh Thanh Hà không hề có ý muốn đi, Cố Thăng nói đúng rồi.
Nếu cứ hành động theo ý nghĩ ban đầu của cô thì có khi sẽ thành có lòng mà làm hỏng chuyện thật.
Nam Sơn ít quần áo nên giặt rất nhanh, cô đợi Mạnh Thanh Hà một lúc rồi hai người cùng nhau về.
…
– Cô chờ ở đây nhé, tôi đi tìm mấy cái móc áo.
Mạnh Thanh Hà buông thùng xuống rồi rồi mở cửa phòng ra.
Nam Sơn đứng ở cửa nhìn vào trong, vừa nhìn đã thấy tủ quần áo dựa vào mé tường.
Nếu cô nhớ không lầm thì túi giấy nhỏ bí mật kia được Mạnh Thanh Hà giấu trong cái tủ này.
Nam Sơn biết trong đó có một tấm thẻ, thế nhưng lại không biết cụ thể là gì, cô rất tò mò.
Mạnh Thanh Hà đi vào một lát rồi ra ngay, trong tay cầm hai chục cái móc áo, chia cho Nam Sơn một nửa.
– Cô xem có đủ không, nếu không đủ thì…
– Đủ rồi ạ.
Nam Sơn đếm qua, vừa đủ.
Nghe vậy, Mạnh Thanh Hà nhấc thùng quần áo lên:
– Để tôi đưa cô đến chỗ phơi quần áo.
– Chúng ta đi thôi.
..
Sau khi phơi quần áo xong, Nam Sơn về phòng mình, chuyện đầu tiên cô làm chính là kiểm tra xem gói ba con sói kia có còn ở đó hay không.
Cô tìm mãi không thấy chúng nó đâu, có lẽ Cố Thăng đã xử lý rồi.
Cô ngồi xuống không bao lâu thì Cố Thăng cũng đẩy cửa đi vào.
Thấy Nam Sơn ở đây, anh nói:
– Chiều nay đám Tam Hắc sẽ tới.
Nam Sơn gật đầu, cũng an tâm hơn. Tam Hắc đánh đấm giỏi, vạn nhất có chuyện gì thì họ cũng có thể ngăn cản phần nào.
– Sáng nay em nói chuyện với Mạnh Thanh Hà, có phát hiện được gì không?
Nam Sơn nói:
– Bà ấy cẩn thận thật, em thử mãi mà bà ấy không hề để lộ ý muốn ra ngoài.
Cùng lúc đó, cô cũng đang tìm kiếm cách để rời khỏi đây:
– Thứ bí mật nhất trên người dì Mạnh chính là túi giấy nhỏ mà em nói với anh đó.
Đêm đó dì Mạnh nói chuyện với cái túi giấy cứ như nó có tính người và nghe hiểu được lời bà vậy.
Cô không loại trừ khả năng trong túi còn gì đó khác ngoài tấm thẻ ấy.
Nam Sơn không tin thứ quấy nhiễu mình là con người, rất có thể đó là thứ không tầm thường nào đó.
– Em có muốn mở ra xem thử không?
Nam Sơn đáp có rồi cau mày:
– Cả căn phòng kia và tủ đều có khóa, hơn nữa bây giờ Đào Minh về rồi, cụ Đồng không ra ngoài, dì Mạnh cũng hay về phòng nữa.
Cô ngả mình lên giường:
– Muốn xem trong túi giấy đó có gì, khó lắm.
– Mở khóa thì em khỏi lo, anh giải quyết được.
Cố Thăng nằm song song với cô rồi quay đầu sang nói:
– Đừng lo về người, sẽ luôn có cơ hội mà. Họ không ra ngoài thì mình sáng tạo ra tình huống cho họ ra ngoài là được.
Nam Sơn:
– Vâng.
Ngày tháng trong rừng núi lúc nào cũng dài đằng đẵng, không có internet làm cho mỗi ngày đều trôi qua thật chậm, cả ngày nhàn rỗi chẳng có gì làm.
…
Vì đàn ông trong nhà họ Đào đã về nên thời gian ăn cơm trưa trở lại bình thường, cứ 11h là đến bữa ăn.
Khi ăn cơm, ông cụ Đào và Đào Minh nói chuyện rôm rả, thảo luận xem mùa màng năm nay thu hoạch thế nào, lúc nào thì đổ mưa, hoa màu sắp sửa chết héo đến nơi rồi.
Ăn được nửa bữa thì có hàng xóm cạnh nhà đến gõ cửa.
– Ô, vẫn đang ăn à?
Một người phụ nữ trung niên bụng to tóc ngắn đưa một cô bé cúi đầu ngượng ngùng đến trước bàn.
Cụ Đồng quay ra nhìn hai người, trong mắt rạng rỡ ý cười:
– Thím Lý tới rồi, mau ngồi đi.
Thím Lý và cô bé ngượng ngùng kia ngồi trên sofa, nhìn dáng vẻ ngoan ngoãn của cô bé thì chắc hẳn là con của bà.
– Đây là khách thuê nhà hai người hả?
Thím Thẩm ngẩng đầu đánh giá Cố Thăng:
– Trông sáng sủa lịch sự thật.
Bà ta đánh giá Cố Thăng với ánh mắt như đang xem hàng hóa, làm cho anh cực kì khó chịu.
Anh im lặng ăn cơm, không để ý đến bà ta.
Cụ Đồng buông đũa, chống tay xuống ghế đứng lên rồi cũng ra ngồi lên sofa:
– Đúng vậy.
– Nghe nói cậu mở công ty, chắc là giàu lắm nhỉ?
Thím Lý hỏi.
Cố Thăng trả lời:
– Không giàu, sống tạm thôi.
Anh hiểu rõ đạo lý không để lộ tiền tài, tránh cho có kẻ vàng đỏ nhọ lòng son rồi nảy ra ý xấu.
Thím Lý liếc nhìn quần áo và đồng hồ trên người anh rồi cười:
– Đám người thành phố các cậu chỉ thích khiêm tốn thôi.
– Không đâu, tôi ăn ngay nói thật đấy.
Thím Lý không tin:
– Nhìn cậu đẹp trai thế này, chắc là chưa có đối tượng chứ hả?
Cố Thăng nhìn Nam Sơn đang bình thản ăn cơm rồi vội nói:
– Đương nhiên là có rồi, chính là cô gái xinh đẹp ngồi cạnh tôi đây.
Thím Lý nghe xong cũng chẳng thèm để tâm:
– Thím là người từng trải, thím nói cậu hay, tìm đối tượng là phải tìm cô nào tre trẻ, sau này cậu già nó còn chăm sóc cho chứ.
Cố Thăng phản bác:
– Tôi có già đi cũng không bắt bà xã chăm sóc mình, tìm bảo mẫu là được chứ gì? Chăm người già mệt lắm, sao phải bắt bà xã tôi chịu khổ làm chi.
Thím Thẩm hơi nghẹn lời:
– … Gái trẻ nó vừa nghe lời lại vừa hiểu chuyện.
Cố Thăng:
– Tôi nghe lời hiểu chuyện là được, bà xã chỉ cần yêu tôi là tốt rồi.
Thím Lý nhìn anh một thoáng, sao thằng nhóc này chẳng ăn nói theo lẽ thường gì cả thế?
Rồi bà ta mặc kệ, dứt khoát nói:
– Thím ăn ngay nói thật vậy, lần này thím đến là để giới thiệu cho cậu, đây là con gái thím. Anh Tử, con ngẩng đầu lên cho anh nhìn xem.
Hôm qua cụ Đồng đến nhà bà có nhắc đến vị khách thuê trẻ tuổi này.
Nghe nói Cố Thăng vừa đẹp trai lại vừa nhiều tiền, thím Thẩm bèn nảy ra ý định.
Nếu cậu ta thành con rể mình thì chắc chắn sẽ phải giúp đỡ mình ít nhiều đây, thế chẳng phải nhà mình cũng giàu rồi sao?
Thím Thẩm nói chuyện này cho cụ Đồng nghe, cụ Đồng bảo Cố Thăng có bạn gái rồi, nhưng đàn ông nào mà chẳng trăng hoa, thím cứ thử một lần cũng được.
Đàn ông trong truyện đều thích con gái ngây thơ còn gì, Cố Thăng với Nam Sơn chưa kết hôn mà đã ngủ cùng phòng, suýt nữa cùng cả giường luôn rồi. Con nhỏ đó không biết xấu hổ, kiểu gì cũng bị bỏ sớm thôi.
Cụ Đồng nói chuyện với thím Lý, nếu chuyện này thành công thật thì đừng có quên nhà họ Đào đấy, thím Lý vội vàng đồng ý ngay.
Anh Tử nắm góc áo rồi từ từ ngẩng đầu lên, mặt mũi non choẹt, hai má hồng hồng. Cô bé nhìn Cố Thăng với vẻ ngại ngùng.
Cố Thăng không nhìn cô bé mà nói với thần sắc lạnh nhạt:
– Tôi có bạn gái rồi.
– Có bạn gái rồi thì có thể chia tay mà, thanh niên trai trẻ phải yêu nhiều người thì mới biết ai thích hợp với mình nhất được chứ.
Nam Sơn không để ý đến, vì cô biết Cố Thăng sẽ xử lý tốt chuyện này. Thế nhưng nghe thím Lý nói xong thì cô vẫn không nhịn được mà liếc bà ta một cái, không biết lúc bà ta lắc đầu có nghe thấy tiếng não không.
Ai lại ngồi trước mặt cô bạn gái mà bảo bạn trai người ta chia tay khơi khơi thế bao giờ?
Nam Sơn mới gặp lần đầu tiên, thấy rất chi là mới mẻ.
– Thực ra tôi có bệnh.
Cố Thăng buông bát rồi nói với giọng nặng nề.
Ơ? Cụ Đồng không nói vụ này với thím Lý. Thím ta nghĩ bụng, nếu bệnh nặng quá thì thôi bỏ mối này đi.
Thím Lý kinh ngạc hỏi:
– Bệnh gì?
– Vợ quản nghiêm.
Cố Thăng đáp.
Khí quản viêm á? Thế thì cũng có nặng lắm đâu, chăm sóc cẩn thận thì vẫn sống tới trăm tuổi được mà.
Thím Lý lên tiếng:
– Khí quản viêm thì không sao…
Cố Thăng thấy Nam Sơn ăn xong, buông đũa rồi, bèn lập tức ngắt lời thím Lý.
Anh đặt tay lên ngực rồi nói với vẻ đau đớn tột cùng:
– Tôi phát bệnh rồi, đi trước đây.
Nói xong, anh nắm tay Nam Sơn đi thẳng ra cửa.
Để lại cả nhà họ Đào và mẹ con thím Lý mặt ngu ra.
Một lúc lâu sau, cụ Đồng mới xua tay:
– Thôi, xem ra mối này không được rồi.
– Đấy là vì thằng nhóc Cố Thăng đó không có mắt nhìn.
Thím Lý bực dọc:
– Con gái tôi đâu có ế, trước đó không lâu, vợ của bí thư chi bộ thôn còn…
…
Trên đường, Nam Sơn vừa gõ ngực Cố Thăng vừa bật cười:
– Vợ quản nghiêm hả?
Cố Thăng nắm chặt tay cô rồi chớp chớp mắt:
– Anh muốn mắc bệnh đó thật quá đi.
Anh chờ đợi câu trả lời của cô với ánh mắt đầy hi vọng.
Nam Sơn hiểu ý anh. Cô mím môi lại, đang định lên tiếng.
Giọng nói của Đại Hắc bỗng truyền tới từ phía đối diện:
– Giám đốc Cố, cuối cùng chúng tôi cũng tìm thấy anh rồi.
Ngoài sân, Tam Hắc vui vẻ vẫy tay với Cố Thăng, ba người đều đeo balo to đùng, vừa nhìn đã biết là có chuẩn bị đầy đủ.
Ba người đẩy cửa hàng rào rồi đi về phía anh.
Vừa mới gặp, Tiểu Hắc đã bắt đầu tố khổ:
– Chỗ này hẻo lánh quá, ba anh em bọn tôi tìm mướt mồ hôi, tí nữa thì lạc trong núi sâu rừng thẳm rồi.
Lúc đó giám đốc Cố bảo bọn họ là đường khó tìm, đến chiều sẽ ra ngoài đường đón họ. Thế nhưng trợ lý Lịch thúc giục ghê quá làm họ tưởng giám đốc Cố gặp phiền phức lớn gì, anh lại là khách quen của họ, thế nên họ đến trước giờ hẹn để cho anh kinh ngạc chơi.
– Sao các anh tìm tới đây được vậy?
Lịch Danh Minh nói trong điện thoại là đến chiều Tam Hắc mới tới, nên anh định buổi chiều mới đi đón họ, bởi vì nơi này quả thực khó tìm, ai ngờ họ đã đến từ giữa trưa rồi.
Nhị Hắc nói với giọng âm u:
– Sau khi xuống núi, bọn tôi thấy dân làng đang làm việc nên hỏi đường, rồi hỏi luôn xem họ có thể đưa chúng tôi tới đây không. Dân làng vừa thấy chúng tôi thì ném cuốc rồi dẫn vào luôn, nhiệt tình lắm.
Nam Sơn nhìn anh ta:
– Anh là người hỏi đường đúng không?
Nhị Hắc trầm mặc gật đầu.
Bảo sao, mặt mũi hung hãn lạnh lùng thế này, ai nhìn cũng tưởng nếu không đồng ý thì cha này sẽ đánh người ta, trước kia có phải như thế đâu nhỉ.
Cố Thăng bảo:
– Nhị Hắc, cười lên cái, trước kia anh có nghiêm nghị thế đâu.
Nhị Hắc từ chối:
– Khách hàng kế tiếp của tôi thích vệ sĩ hung hãn một chút, tôi đang luyện tập đây. Giám đốc Cố, trông tôi hung hãn không?
Cố Thăng:
– … hung lắm.
Hung hãn một chút cũng tốt, người ta vừa nhìn là rét liền.
Đại Hắc tựa lưng vào tường:
– Chúng tôi đến đây rồi ở đây luôn hả?
Thôn nhỏ thế này chắc chẳng có quán trọ nào đâu.
Cố Thăng lắc đầu:
– Nhà họ Đào không còn nhiều phòng trống, các anh ở nhà dì Đào…
Anh chưa nói xong thì Mạnh Thanh Hà đang đi tới đã ngắt lời:
– Mấy người ở nhà cũ của tôi đi.
– Nhà cũ?
Cố Thăng lặp lại một lần, như thể nghe không hiểu.
– Tôi đến xin lỗi thay mẹ chồng và thím Lý. Việc họ làm ban nãy hơi quá đáng thật, mọi người đừng để tâm nhé.
Mạnh Thanh Hà nói lời xin lỗi.
– Vâng.
Cố Thăng đáp, chuyện này bỏ qua trước cũng được:
– Nhà cũ là ý gì ạ?
Mạnh Thanh Hà nói với giọng ôn hòa:
– Nhà ba tôi ở cách đây không xa, nhưng mà ông ấy qua đời rồi, đã lâu không có ai ở. Tuần nào tôi cũng về quét tước nên trong nhà sạch sẽ lắm.
Cố Thăng nhìn Nam Sơn, cả hai đều thấy nỗi kinh ngạc trong mắt đối phương.
Nhà của Mạnh Thanh Hà ở thôn Đào Nguyên, thế có nghĩa là bà ấy không hề bị lừa bán sao?